Gọi ngay

      Vàng son của thương hiệu này hôm nay là kết tinh của hơn 100 năm thăng trầm mà có thể những tín đồ của Chanel cũng không thể biết hết.

      Chanel là một trong những thương hiệu thời trang uy tín nhất thế giới với các dòng sản phẩm như thời trang cao cấp, quần áo may sẵn, phụ kiện, nữ trang và nước hoa. Những thiết kế đơn giản mà tinh tế, cổ điển mà hiện đại, sang trọng mà tiện dụng của Chanel luôn được các ngôi sao Hollywood ưa chuộng và đầy hấp lực với các tín đồ thời trang. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến nguồn gốc lịch sử, sự thăng trầm qua từng giai đoạn hay ý nghĩa của logo với hai chữ C đấu lưng vào nhau của thương hiệu này.

Thế Chiến I và những thiết kế mạnh mẽ của Chanel

      Chiến tranh thế giới lần thứ I (1914–1918) đã ảnh hưởng đến thời trang châu Âu, trong đó có Chanel. Do sự khan hiếm về vật liệu và quyền phụ nữ được chú trọng hơn nên các thiết kế và chất liệu quần áo cũng thay đổi theo.

      Trong khoảng thời gian này, Chanel có một cửa hàng bán váy đầm lớn ở 31 đường Cambon, Paris. Cửa hàng tập trung bán các loại quần áo như blazer, váy bút chì, áo kiểu thủy thủ, áo ấm, váy áo vest, đầm đen được cắt may đơn giản với những chất liệu như flannel, linen, jersey, vải tuyn. Những chất liệu này có độ dày, ấm nhưng rủ, vừa tạo sự mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng làm tôn lên những đường nét gợi cảm của người phụ nữ. Các loại vải này đặc biệt phù hợp với những thiết kế đơn giản, mang phong cách nam tính của Chanel.

      Năm 1915, những thiết kế và trang phục của Chanel đã nổi tiếng khắp nước Pháp. Từ 1915–1917, danh tiếng của Chanel lan rộng khắp châu Âu. Tạp chí Harper’s Bazaar đã thống kê rằng trang phục của Chanel có mặt trong tủ quần áo của hầu hết người dân châu Âu.

Thế Chiến II và những thăng trầm trong lịch sử Chanel

      Trong suốt chiến tranh thế giới lần thứ II (1939–1945), Coco Chanel đã phải đóng cửa tiệm thời trang Maison Chanel. Bà chỉ còn kinh doanh nữ trang và nước hoa. Pierre Wertheimer và gia đình rời Paris đến Mỹ đến tránh chính sách hà khắc của Đức quốc xã đối với người Do Thái.

      Năm 1940, Wertheimer đã bổ nhiệm cho Felix Amiot, một chuyên gia công nghiệp theo đạo Thiên Chúa người Pháp, đứng tên điều hành kinh doanh Parfums Chanel về mặt pháp lý, nhờ vậy Công ty nước hoa Chanel vẫn tiếp tục được phép kinh doanh trong suốt thời gian này. Trong khi đó, Chanel dời đến khách sạn Ritz, Paris, sống với người tình Hans Gunther von Dincklage, một sĩ quan tình báo Đức quốc xã.

      Chiến tranh kết thúc, Chanel bị bắt vì bị nghi là đã cộng tác với Đức quốc xã. Nhờ ảnh hưởng của thủ tướng Anh lúc bấy giờ Winston Churchill, Coco Chanel được trả tự do. Tuy nhiên, trước áp lực của những tin đồn làm việc cho Đức quốc xã, bà đã không thể ở lại Pháp. Chanel cùng người tình Đức, Hans Gunther Von Dincklage, đến Thụy Sỹ sống lưu vong.

Thời kỳ hậu chiến và sự mở rộng sản xuất của Chanel

      Sau chiến tranh, Pierre Wertheimer trở về Pháp và khôi phục việc kinh doanh của gia đình. Trong đó có việc kinh doanh nước hoa Chanel. Ở Thụy Sỹ, có thông tin cho rằng Coco Chanel vẫn còn tức giận Wertheimer vì sự bóc lột chất xám và sức lao động của bà. Chanel đã thành lập một công ty nước hoa ở Thụy Sỹ làm đối thủ cạnh tranh bán nước hoa Chanel với Wertheimer.

      Trước nguy cơ đe dọa trong việc kinh doanh và quyền thương mại bị xâm phạm, Wertheimer đã đủ sáng suốt để không kiện Chanel. Vì sợ ảnh hưởng đến uy tín và việc bán nước hoa, ông đã quyết định đàm phán với Coco Chanel.

      Năm 1947, họ đã thỏa thuận và ký kết hợp đồng để thành lập Parfums Chanel. Theo đó, Coco Chanel được trả 400.000 đô-la (lợi nhuận trong việc bán nước hoa Chanel No.5 trong thời chiến); 2% tiền bản quyền nước hoa Chanel No.5, được phép bán có giới hạn nước hoa Chanel ở Thụy Sỹ và một khoản trợ cấp vĩnh viễn cho toàn bộ chi phí hàng tháng của bà.

      Với những điều kiện trên, Pierre Wertheimer được sở hữu bản quyền thương hiệu nước hoa Coco Chanel và buộc Gabrielle Chanel phải đóng cửa công ty nước hoa của bà ở Thụy Sỹ.

      Năm 1953, để vực dậy việc kinh doanh của thương hiệu thời trang Chanel trong những lĩnh vực như thời trang cao cấp, quần áo may sẵn, phụ kiện, nữ trang và nước hoa vốn dĩ cần rất nhiều vốn vì thế Chanel đã lại phải nhờ cậy Pierre Wertheimer để được tư vấn và cấp vốn. Wertheimer đồng ý tài trợ để phục hồi việc kinh doanh của thương hiệu thời trang Chanel nhưng đổi lại ông phải được nắm quyền kinh doanh trong tất cả các sản phẩm của thương hiệu Chanel.

      Trong thập niên 1950, tài năng thiết kế của Chanel vẫn luôn được công nhận. Bà và bộ sưu tập mùa xuân của mình đã nhận được giải thưởng thời trang năm 1957 tại Dallas. Trong khi đó Pierre Wertheimer thao túng luôn 20% cổ phần của Bader đối với Công ty Parfums Chanel, nâng tổng số cổ phần của gia đình Wertheimer lên 90%.

      Sau đó, năm 1965, con của Pierre Wertheimer, Jacques Wertheimer, tiếp quản việc quản lý Parfums Chanel. Năm 1971, Coco Chanel qua đời, công việc của bà được giao lại cho Yvonne Dudel, Jean Cazaubon và Philippe Guibourge.

      Sau một thời gian, Jacques Wertheimer đã nắm được quyền kiểm soát lợi nhuận của House of Chanel. Tuy nhiên, doanh thu, lợi nhuận của House of Chanel thời gian này cũng không được tốt vì theo tin đồn Jacques quan tâm đến việc chăm sóc ngựa hơn là công ty.

      Năm 1974, con trai của Jacques Wertheimer, Alain Wertheimer, được giao quyền quản lý House of Chanel. Ông đã thực hiện nhiều kế hoạch vực dậy doanh số của nước hoa Chanel No.5 và thuyết phục “quái kiệt” thời trang Karl Lagerfeld chấm dứt hợp đồng với Chloé để làm việc cho Chanel.

 

Karl Lagerfeld, người kế vị xuất sắc

      Năm 1983, Karl Lagerfeld đảm nhiệm vị trí giám đốc thiết kế của Chanel. Cũng giống như Coco Chanel, Karl Lagerfeld lấy cảm hứng thiết kế từ quá khứ. Ông tiếp thu những chất liệu và chi tiết của Chanel như vải tweed, màu vàng kim nổi bật, chi tiết sợi xích. Karl Lagerfeld giữ lại những gì đặc trưng của Chanel đồng thời phát huy tài năng của mình để đưa thương hiệu này đến tầm như hiện nay.

      Trong thập niên 1980, Chanel đã mở 40 cửa hiệu thời trang trên khắp thế giới. Đầu thập niên 1990, doanh số bán hàng bị giảm sút mạnh do tình trạng suy thoái kinh tế, tuy nhiên Chanel đã kịp phục hồi vào giữa những năm 1990 với việc có nhiều cửa hàng hơn trên toàn cầu.

      Sau khi Karl Lagerfeld qua đời năm 2019, vị trí giám đốc sáng tạo của Chanel được thay thế bởi cặp đôi Virgine Viard và Eric Pfrunder. Virgine Viard sẽ nắm quyền thiết kế, lên mẫu cho các dòng thời trang. Còn Eric Pfrunder sẽ chịu trách nhiệm hình ảnh, quảng cáo của thương hiệu.

      Như vậy, thương hiệu Chanel được xem là đã trải qua những gì huy hoàng nhất và đắng cay nhất của “làng thời trang”. Chính sự từng trải này mà họ đã cho ra đời những sản phẩm bất hữu cùng thời gian. 

 

ĐỊA CHỈ MUA SẮM 

Khắc họa tính cách với trang sức độc quyền

Hồ Chí Minh

210 Võ Văn Tần, Phường 5, Quận 3.

Hotline: 0372497957

Hà Nội

77 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân

Hotline: 0372497957

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *